Condotel, nhà ở xã hội “sưởi ấm” thị trường bất động sản

VTV.vn – Quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho condotel, đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội đang tạo ra niềm tin sẽ “sưởi ấm” cho thị trường bất động sản.

Giấc mơ “an cư lạc nghiệp” của người lao động đang được mở ra khi Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt. Căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel) sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nếu đủ điều kiện.

Những chỉ đạo gần đây của Chính phủ đã nhen nhóm lên niềm tin trong xã hội về quyết tâm và những nỗ lực tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững.

Tháo gỡ vướng mắc cho bất động sản nghỉ dưỡng

Kể từ sau Hội nghị toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” diễn ra vào giữa tháng 2, cho đến đầu tháng 4, nhiều chính sách đã được Chính phủ ban hành, cho thấy sự quyết tâm và nỗ lực lớn của cơ quan quản lý Nhà nước trong tháo gỡ những vướng mắc cho thị trường bất động sản.

Trong Nghị quyết 33 (ngày 11/3), Chính phủ xác định tập trung triển khai 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong đó, nhiệm vụ, giải pháp được xác định hàng đầu là hoàn thiện thể thế. Tiếp đó là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Ngay trong tuần này, Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030” đã được Chính phủ phê duyệt.

Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa

Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 10 “sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật đất đai”. Một trong những điểm đáng chú ý của nghị định này là đã tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho bất động sản nghỉ dưỡng (condotel), khi quy định cấp giấy chứng nhận sở hữu đối với loại công trình này.

Dự án có diện tích hơn 43 ha là một trong các mô hình bất động sản đầu tư đang hiện diện tại Nha Trang, với các hình thức như: condotel, shophouse, biệt thự nghỉ dưỡng, khách sạn.

Để các nhà đầu tư như anh Hải Anh chứng minh đó là tài sản đảm bảo đúng nghĩa, vướng mắc và cản trở lớn nhất chính là tính pháp lý.

“Mong muốn nhất là tính pháp lý. Pháp lý từ nghị định 10 cởi trói rất nhiều thứ, tạo niềm tin cho nhà đầu tư thực chất có được tài sản thật sự sở hữu”, ông Nghiêm Hải Anh, nhà đầu tư, Quỹ đầu tư ATB, cho biết.

Theo thống kê của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, hiện đã có 26.000 căn hộ condotel được chào bán, chủ yếu tập trung tại các thành phố nghỉ dưỡng như: Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc, Quy Nhơn…

Việc thiếu hành lang pháp lý rõ ràng cho loại hình bất động sản này đã khiến nhiều địa phương lúng túng trong cấp sổ đỏ, giấy chứng nhận chủ sở hữu trong thời gian qua và thị trường gần như đóng băng với loại hình này.

“Các sản phẩm tồn kho sẽ được giải phóng nhanh. Thứ hai, với các dự án dự kiến được xây dựng chào bán sản phẩm condotel, các chủ đầu tư sẽ rất nhanh chóng đưa ra thị trường. Thị trường được khơi thông và nhìn vào bức tranh bất động sản nói chung, bất động sản nghỉ dưỡng là một phần rất quan trọng trong bức tranh tổng thể bất động sản của Việt Nam”, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc điều hành Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Bất động sản CBRE Việt Nam, đánh giá.

Có thể nói nghị định mới đã cởi trói cho loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện vẫn phải tuân thủ rất nhiều quy định khắt khe như nghĩa vụ tài chính về đất đai, các thủ tục hành chính, đặc biệt là việc điều chỉnh mục đích sử dụng đất.

“Khi triển khai sẽ có những khó khăn như: địa phương đã cấp giấy chứng nhận đất ở không hình thành đơn vị ở thì phải điều chỉnh tính pháp lý để đất đó về đất thương mại dịch vụ, từ đó mới có cơ sở để tiến hành cấp giấy chứng nhận sở hữu”, ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết.

Khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ condotel, người mua chỉ được sử dụng đất và sở hữu căn hộ trong thời gian sử dụng đất còn lại của chủ đầu tư, chứ không được sử dụng ổn định lâu dài như loại đất ở. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 20/5 tới.

Chính phủ phê duyệt đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội

Sau nhiều năm trầm lắng, quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho bất động sản nghỉ dưỡng được nhiều người kỳ vọng sẽ giúp cho phân khúc bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được “tỉnh giấc”. Cùng với đó, một quyết định khác của Chính phủ cũng đang tạo ra niềm tin sẽ “sưởi ấm” thị trường, đó là Chính phủ vừa Quyết định phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030”.

Quyết tâm của Chính phủ là thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản bằng việc điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm hợp lý hơn, phù hợp với thu nhập của đại bộ phận người dân.

Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở. Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 – 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 – 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng sẽ được thực hiện đến năm 2030, mức lãi suất cho vay trong năm nay sẽ là 8,2%/năm cho người mua nhà và 8,7%/năm cho các doanh nghiệp.

“Hiện chúng tôi đã lên kế hoạch cân đối vốn. Nguồn vốn hiện đã sẵn sàng và có thể thực hiện giải ngân trong thời gian sớm nhất. Nhưng hiện vẫn đang chờ tiêu chí hướng dẫn về điều kiện và dự án đủ điều kiện để tiếp cận đối với nguồn vốn ưu đãi này”, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết.

“Với chương trình 120.000 tỷ đồng, đối tượng vay vốn bao gồm cả khách hàng và những nhà đầu tư dự án, người mua nhà tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ. Những dự án này thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố”, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, thông tin.

Như vậy, các tiêu chí về lãi suất, thời hạn, nguồn vốn đã được ngành ngân hàng chuẩn bị và sẵn sàng. Tuy nhiên, đối tượng thụ hưởng, điều kiện và tiêu chí đang chờ sự phối kết hợp giữa các bộ, ngành và địa phương.

“Việc phối kết hợp giữa các cơ quan nhà nước, Bộ Xây dựng và các địa phương là vô cùng quan trọng. Vì nó liên quan đến xác nhận đối tượng, xác định và thẩm định đối tượng. Dự án nào, ở đâu, địa phương nào?”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định.

Với đóng góp trung bình, trực tiếp chiếm khoảng 4,5% GDP, thị trường bất động sản đóng vai trò quan trọng trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế và có tác động lan tỏa đến sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Do vậy, khi thị trường này bị ngưng trệ, sẽ kéo theo hàng loạt các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng và là nguy cơ tác động tới tăng trưởng.

Thời gian qua, Chính phủ và các bộ ngành có liên quan đã rất nỗ lực để tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, ách tắc, không chỉ là giải cứu bất động sản, mà đó chính là tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế phát triển.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả những chỉ đạo gần đây của Chính phủ sẽ góp phần từng bước gỡ “điểm nghẽn” và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh và bền vững hơn như mục tiêu mà Nghị quyết 33 của Chính phủ đã đề ra.

VTV.vn

Xem các tin khác: